top of page

Một Thời Bên Ôn

(Nhân Đại Lễ Tuần Chung Thất Đại Lão HT Phó Pháp Chủ, Viện Chủ Chùa Đạo Nguyên, TP Tam Kỳ, Quảng Nam)

Thích Phước Hạnh

Vào ngày 07 tháng 03 năm Tân Sửu (18/04/2021), con mới xong khóa lễ với đại chúng thì nhận điện thoại từ thầy Chúc Đại (MD) gọi đến báo tin: “Ôn Đạo Nguyên” viên tịch rồi. Con bắt đầu dừng lại ngồi yên lặng hồi tưởng công đức của Ôn một đời vì đạo pháp, cũng là lúc trong ký ức con lục lọi tìm kiếm những hình nghi đỉnh đạc của Ôn ngày nào mà con có được duyên lành “Thiện Duyên” (đạo hiệu của Ôn) gần gũi hầu chuyện.

Đúng. Chu kỳ kiếp sống con người không ai khỏi chết. Ôn viên tịch rồi. “Giờ mình làm gì đây?” con tự hỏi. Ôn trở về với cái viên mãn vắng lặng xưa nay rồi. Mình có về dự tang lễ Ôn, phụ giúp gì với quý thầy lo tang lễ cho Ôn hay không?

Nhưng mà không được. Thế giới đang căng thẳng oằn mình đối phó cơn đại dịch Covid-19 hoành hành bủa vây tứ phía. Các nước đang hạn chế sự đi lại của người dân nội bất xuất, ngoại bất nhập. Giờ mà đi máy bay phải có vaccine passport (hộ chiếu chích ngừa) thì mới được bay. Giải pháp này không được.

Con dự tính qua thầy Viên Chơn (tiểu bang North Carolina, 3 tiếng máy bay) để tham dự lễ tưởng niệm Ôn cũng không được. Không đi đâu được thì thôi con tự tổ chức lễ tưởng niệm cho Ôn ở chùa con, biết đâu đây là lúc để mời Phật tử có duyên lành biết đến Ôn, đảnh lễ công hạnh của Ôn. Thế là chỉ trong vòng mấy ngày đi rửa hình Ôn, trang trí bàn thờ Ôn và mọi thứ diễn ra tốt đẹp. Phật tử về chùa ai nấy đều hoan hỷ tham dự lễ tưởng niệm Ôn rất trang nghiêm thanh tịnh.



Chẳng biết từ lúc nào, con chỉ nhớ những lúc Ôn đến chùa Hòa An thăm Hòa thượng Bổn sư con (đã viên tịch 1990) thì cả chúng chùa Hòa An tụi con phải chạy cóng giò đi mặc chiếc áo dài ra xá chào và nghinh tiếp Ôn vào trong. Cứ như vậy, mỗi lần nghe Ôn tằng hắng, rồi Ôn dựng chiếc xe Honda đam tròng trành cũ kỹ trước sân chùa là tụi con phải lo đi mặc chiếc áo tràng thủ lễ đón Ôn. Ôn chẳng nói gì. Ôn chỉ nhìn mặt đọc tên hỏi thăm từng chú giống như chúng chùa Đạo Nguyên. Riết rồi chúng con đi vào nếp sống thiền môn vô phân biệt hồi nào không hay là không có cảm giác sợ, không thấy có khoảng cách lớn nhỏ giữa Ôn và chúng nhỏ và chúng con tự nhiên sinh tâm cung kính Ôn thực sự như cung kính Hòa thượng Hòa An (thượng Từ hạ Ý). Ôn cũng không phân biệt là đệ tử của ai, Ôn coi chúng Hòa An như đệ tử của Ôn. Chúng Hòa An thầy chú nào muốn ra ở với Ôn cũng được. Chúng con lại càng cung kính Ôn ở điểm này bội phần.

Sau này, con vào Sài Gòn đi học. Mỗi năm Ôn cũng vào đi họp trong này. Thỉnh thoảng con chở Ôn đến văn phòng II để họp.

Có lần con được hầu Ôn đang đi cùng với một thầy khác trong khuôn viên chùa thì vị thầy kia nói gì đó con không nghe rõ nhưng con chỉ nghe Ôn dạy thầy đó là mình không nên dùng “sở đoản” để đối xử với người mà mình nên dùng “sở trường” để tiếp đãi người thì mới đắc nhân tâm. Ôn nói: ‘sở đoản’ của con người là ích kỷ, hiềm khích, thù hằn, thủ đoạn, mưu toan xảo quyệt…; còn ‘sở trường’ của mình (chỉ đệ tử Phật) là bao dung, tha thứ, tình thương, nhẫn nhịn, từ bi, bình tĩnh, giúp đỡ lẫn nhau... Sao mình không dùng sở trường mà lại đi dùng sở đoản? Con nghe tự nhiên trong lòng con chấn động như được khai thông tâm trí giống lúc Đức Phật thuyết bài pháp đầu tiên ‘Tứ Diệu Đế’ khiến cho năm anh em Kiều Trần Như rũ sạch phiền não chứng quả.

Con tự nhủ trong lòng Ôn đúng là bậc long tượng Phật pháp đống lương, đấng điều ngự trượng phu, là thiên nhơn chi đạo sư thì ngôn ngữ mới phát ra chuẩn mực hùng hồn như tiếng sư tử hống làm cho muôn thú phải khiếp sợ nơi rừng thiêng. Thầy kia nghe Ôn nói làm thinh, không biết nghĩ gì, có phước lắm mới được nghe những lời Ôn dạy như vậy, nhưng chẳng lẽ… không ảnh hưởng gì trong cách hành xử từ Ôn? Uổng thật!

Một lần khác, con tình cờ nghe Ôn đang nói chuyện với một thầy khác về vấn đề sự xáo trộn của một ngôi chùa. Con nghe Ôn nói: “Sư tử trùng thực sư tử nhục”. Ôn từ tốn giải thích: thiên ma ngoại đạo không thể nào phá hoại được đạo của Như Lai, chỉ có vi trùng trong con sư tử mới ăn được thịt con sư tử; tức là khi nội bộ lục đục, anh em huynh đệ bất hòa mâu thuẫn không khéo giải quyết, không biết nhường nhịn nhau thì mới làm lủng đoạn tổ chức, gây xáo trộn thiền môn làm tiền đề để bên ngoài họ chê họ cười thì Ôn nói tội này lớn lắm!

Con có thầy bạn vong niên - đồng liêu - đồng song học chung hơn mười năm (từ trường Cơ Bản Phật Học Thiên Minh - Thủ Đức, trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam đến trường Đại học Delhi - Ấn Độ) là Thượng tọa Nhuận An kể rằng Ôn là một trong năm vị tăng lỗi lạc thạc đức thời trẻ gọi là ngũ hổ gồm Ôn Thiện Nhơn (Bình Định, đã viên tịch), Ôn Thiện Duyên, Ôn Tâm Hoàn…mà con không nhớ hết đủ năm.

Lần cuối, con được đảnh lễ thăm Ôn là năm 2019. Rất lâu rồi con mới có dịp về lại thăm Ôn. Con ngạc nhiên lắm khi vừa gặp Ôn thì Ôn nhận ra con ngay! Con rất vui khi nhìn thấy Ôn vẫn còn đi đứng nói chuyện như ngày nào, đặc biệt trí nhớ Ôn vẫn còn minh mẫn sáng suốt không quên. Nếu không có sức tu vững chắc, nếu không phải là bậc “nhàn đạo nhân”, tâm trí Ôn không được như thế. Con không nghĩ với tuổi đó (92 tuổi) mà Ôn vẫn còn nhận ra con và được Ôn hỏi thăm rất lâu. Khi sắp sửa đảnh lễ chào tạm biệt Ôn con đi, Ôn chỉ hỏi nhẹ một câu: không biết mai mốt tui mất, thầy có về được không? Câu nói làm con suy nghĩ mãi sao mà con có diễm phúc quá!



Kính lạy Ôn,

Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,

Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.

(Xưa nay thử hỏi ai không chết,

Lưu tấm lòng son chiếu sử xanh)

Hình sắc năm uẩn của Ôn đã theo luật vô thường rồi, nhưng những hình ảnh đạo phong của Ôn vẫn còn đó, hạnh nguyện độ sinh của Ôn vẫn còn đây. Bốn chúng đệ tử khắp nơi trong và ngoài nước đang hướng về chốn tổ tỏ lòng biết ơn những gì Ôn đã làm cho Phật pháp, xây dựng Giáo hội, lãnh đạo Tăng đoàn, vạch hướng tâm linh cho Phật tử,…nói không hết được. Chết là thể xác còn là tinh anh mà Ôn. Con vẫn tin như thế, vì: Vô thường thị thường

Thế Tôn thường song lâm thị tịch

Tịch diệt phi diệt

Đạt Ma tằng chích lý Tây quy

Sanh tự hà lai

Tử tùng hà khứ?

Cho nên, Ôn cho phép con vẫn chắp tay bạch rằng “kính lạy Ôn” thay vì nói “kính lạy giác linh Ôn” như cái hiểu dung thường để bày tỏ tấm lòng cung kính Ôn như còn sống ngày nào.

Giờ này ai cũng nói Ôn viên tịch rồi, tức là chết rồi như người đời thường nói. Nhưng đối với con, Ôn không có chết vì chết nghĩa là chấm hết. Làm sao mà hết được? Bao nhiêu công đức đồ sộ kia của Ôn mất đi đâu? Ôn đã là đàn đầu Hòa Thượng trong các đại giới đàn, truyền trao giới pháp châu viên cho hàng hàng lớp lớp tăng ni. Ôn đã là người hướng dẫn giáo hạnh cho hàng hàng lớp lớp Phật tử Việt Nam kia mà!

Ôn không chết. Ôn chỉ ngưng biểu hiện tấm thân ngũ uẩn phù hư cũ kỹ 94 năm trên cõi đời thôi. Ôn cần được nghỉ ngơi và vẫn đang hiện hữu khắp muôn nơi. Nơi nào có bước chân Ôn đi qua giờ đều có Ôn ở đó.

Chúng con hiểu như vậy cho nên dặn quý vị Phật tử về chùa hôm nay và mãi về sau khi tham dự tổ chức lễ tưởng niệm gì cho Ôn đều phải hoan hỷ thống nhất đoàn kết, cùng ngồi lại cố gắng làm việc ý thức chánh niệm, gương mặt hiền lành dễ thương, nói năng nhỏ nhẹ, tạo ra năng lượng an lành để có cái chi đó dâng lên cúng dường Ôn, chứ không được tạo ra năng lượng xấu giận hờn trách móc thì không có gì cúng dường lên Ôn mà lại còn không xứng đáng là con cháu của Ôn nữa.

Cũng trong buổi lễ tưởng niệm Ôn hôm đó, con có nêu lên hai điều đặc biệt mà hàng hậu học chúng con nghe từ Hòa thượng sư huynh Thiện Toàn kể mà lòng vô cùng khâm phục kính nể chí nguyện phi thường của Ôn đó là:

Ôn là người dõng mãnh tinh tấn lập nguyện đi bộ từ Bình Định vào Nha Trang để cầu học với quý Hòa Thượng thời đó.

Ôn là người sống qua ba chế độ mà thời nào Ôn cũng vững tâm một lòng vì đạo pháp – dân tộc không chùn bước trước những chướng duyên nghịch cảnh.

Chừng đó để thấy tâm đạo Ôn ngày xưa sao mà vĩ đại kiên cố quá! Ngày nay, chúng con đầy đủ tiện nghi phương tiện vật chất nhưng tâm đạo lại quá yếu. Chắc Ôn xót cho chúng con lắm!

Đối với thế hệ trẻ, ai có duyên muốn xuất gia với Ôn hay nhờ Ôn gửi đi các chùa xuất gia đều được Ôn dạy bảo, làm việc tư tưởng trước khi xuất gia. Ôn nói mình đi xuất gia là phải phát bồ đề tâm cho chắc: “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”, chứ đừng đi xuất gia với tâm trạng giống như: “Cá trong lờ đỏ hoe con mắt, cá ngoài lờ ngúc ngoắc muốn vô.” Thật chí lí với những lời khuyên dạy của Ôn!

Bốn vị Hòa Thượng mà con từng có duyên ít nhiều được hầu cận: chùa Tịnh Độ, chùa Hòa An, chùa Đạo Nguyên, chùa Kỳ Viên là những cây tùng cây bách, cây cao bóng cả che mát nhân gian một thời Phật giáo Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam ngày nào. Nay quý ngài lần lượt vân du theo Phật hết rồi. Ngưỡng mong quý ngài thùy từ lân mẫn gia hộ cho chúng con cởi bỏ si mê ám chướng, biết thương yêu tha thứ cho nhau, cùng nhau gìn giữ phát triển cây Phật giáo quê nhà ngày một xanh tươi.

Kính lạy Ôn,

Khi xưa:

Đức Phật mình cao trượng sáu cũng còn tịch diệt chốn song lâm.

Lão Quân thuốc luyện chín viên trót hết hồn quy nơi thệ thủy.

Bành Tổ sống tám trăm năm.

Nhan Hồi tuổi hơn ba chục.

Trẻ già dẫu khác,

Sống thác hơn chi?

Sự tịch diệt của Ôn để lại cho hàng hậu thế chúng con một bài học lớn về đức tính nhẫn nhục, đức tính bao dung, giới hạnh trang nghiêm, cần mẫn tận tụy phụng sự đạo - đời đề huề viên dung.

Hành trạng cuộc đời Ôn mênh mông rực rỡ trang nghiêm như mạng lưới trời Đế châu óng ánh bao trùm cả bầu trời không gian này khiến con phải ngước nhìn chóa mắt mà chẳng biết diễn tả làm sao cho xứng đáng với Ôn! Thôi. Con chỉ biết cúi đầu phủ phục năm vóc sát đất trước di ảnh để cảm nhận công đức to lớn của Ôn và nguyện noi theo tu học tinh tấn để không khỏi cô phụ ơn Ôn một thời.

Con chí thành kính lễ.

Kính bái bạch,

Thích Phước Hạnh

(Quý Xuân/Tân Sửu – 2021 – PL.2565)

Comments


Bài Mới Nhất

bottom of page